Doanh nhân Momofuku Ando
Vua Của Ngành Thực Phẩm Ăn Liền
Mì ăn liền là một trong những món ăn rất quen thuộc với chúng ta, thế nhưng có bao giờ bạn thắc mắc về nguồn gốc của mì ăn liền, mì ăn liền do ai phát minh ra, trong hoàn cảnh nào? Để trả lời cho câu hỏi này, LinkQ xin chia sẻ đôi nét về một nhân vật được mệnh danh là "Cha đẻ của mì ăn liền", là người đã mở đường cho ngành công nghiệp thực phẩm ăn liền thế giới, đó là ông Momofuku Ando.
Người tiên phong đầy tính sáng tạo:
Sinh ngày 05/3/1910, ông là một người Nhật Bản. Momofuku Ando khởi nghiệp bằng nghề buôn bán quần áo ở Đài Bắc và Osaka trong khi theo học tại Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản). Năm 1948, Ando thành lập một công ty gia đình nhỏ, là tiền thân của Nissin, đại gia ngành thực phẩm sau này.
Ngày 25-8-1958, sau nhiều tháng miệt mài thử nghiệm với phương châm “thử sai”, Ando đã sáng chế thành công sản phẩm mì ăn liền công nghiệp được đặt tên “Mì gà”. Thoạt đầu, mì ăn liền bị xem là... đồ xa xỉ vì đắt gấp 6 lần mì thông thường. Nhưng sau đó, Ando đã nỗ lực giảm giá và mặt hàng mới nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.
Năm 1964, định hướng phát triển sản xuất mì ăn liền thành một công nghiệp, Ando sáng lập Hiệp hội Công nghiệp thực phẩm ăn liền, đặt ra các nguyên tắc về cạnh tranh công bằng, về chất lượng sản phẩm, trong đó có quy định ghi rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng trên bao bì.
Từ mì ly đến mì vũ trụ:
Ngày 18/9/1971, Ando tung ra sản phẩm mới “Mì ly mỳ ăn liền Nissin đựng trong bao xốp chịu nhiệt hình chiếc cốc (Cup Noodle) lần đầu tiên mì ăn liền được đóng trong những cái ly, giúp người ta có thể ăn mọi lúc, mọi nơi.
Sáng tạo này không những đã tạo cú hích mạnh khi xuất sang Mỹ, châu Âu và châu Á, mà còn làm một cuộc cách mạng thói quen ăn uống của cư dân toàn cầu. Công ty Nissin trở thành công ty nổi tiếng số một trong lĩnh vực kinh doanh mì ăn liền. Ando được xưng tụng là “Vua mì”. Nhờ vậy, doanh thu của công ty và ngoại tệ cho nền kinh tế nước Nhật cũng thay đổi đáng kể
Năm 1999, Ando mở Bảo tàng Mì ăn liền Momofuku Ando ở Ikeda, gần Osaka, thu hút khoảng 120.000 khách tham quan hàng năm. Ngoài những gian trưng bày, bảo tàng còn dành hẳn một khu có đầy đủ các thiết bị như trong một nhà xưởng thật sự để khách tham quan có thể tự tay thử sản xuất mì ăn liền.
Theo thống kê, năm 2005 toàn thế giới đã tiêu thụ 85,7 tỉ gói mì ăn liền, bình quân mỗi người 12 gói, trong đó Nissin chiếm thị phần lớn nhất với 10 tỉ gói. Công ty Nissin hiện có vốn 3 tỷ USD với 29 chi nhánh tại 11 nước. Đến tháng 7/2005, loại mì ăn liền đặc biệt “Space Ram” của Nissin đã theo chân nhà du hành Nhật Bản Soichi Noguchi bay lên vũ trụ, như mong ước của ông Ando.
Năm 2008, tổng số mì gói tiêu thụ trên toàn thế giới đạt 94 tỷ gói, tương đương mỗi người trưởng thành trên trái đất tiêu thụ 14 gói mỗi năm. Đến năm 2015, con số này đã đạt 97,7 tỷ gói, tương đương 270 triệu gói mì được người dân sử dụng mỗi ngày. Trong đó Việt Nam đứng thứ 2 nếu xét về mức tiêu thụ mì gói bình quân đầu người với 51,9 gói/người/năm.
Không chỉ là một món ăn thông thường, mì ăn liền là một trong các biểu tượng văn hóa của nước Nhật. Người Nhật gọi Momofuku Ando là “Cha đẻ của mỳ ăn liền”, và ông cũng là “vua” của ngành công nghiệp thực phẩm ăn liền trên thế giới.
Ando từng xuất hiện trong danh sách những nhân vật có tầm ảnh hưởng ở châu Á do Tạp chí Time Asia bình chọn. Trong một cuộc thăm dò ý kiến gần đây về những phát minh quan trọng nhất của thế kỷ 20, đa số người Nhật đã xếp mì ăn liền lên hàng đầu, trên cả karaoke, máy nghe nhạc Walkman và máy trò chơi Nintendo.
Nguồn Tổng hợp