Doanh nhân Richard Branson
Ông Trùm Khởi Nghiệp Richard Branson
Trong giới kinh doanh, ắt hẳn không ai là không biết đến ông trùm kinh doanh - tỷ phú Richard Branson, một ông trùm khởi nghiệp. LinkQ xin chia sẻ đôi nét về cuộc đời cũng như kinh nghiệm kinh doanh của ông:
Khởi nghiệp thành công ở nhiều lĩnh vực và trở thành triệu phú khi còn trẻ nhưng Richard không dừng lại để hưởng thụ. Ông tiếp tục thách thức bản thân ở lĩnh vực hàng không và đưa thương hiệu Virgin lên tầm cao mới. Đây là thử thách quan trọng nhất cuộc đời Richard và đưa tên tuổi ông vào danh sách những tỷ phú tự thân giỏi nhất thế giới.
Richard Branson sinh ngày 18/7/1950 trong một gia đình trung lưu tại Anh, có cha là luật sư và mẹ làm trong ngành hàng không. Ngày nhỏ, Richard mắc chứng khó đọc, khiến thành tích học tập của ông luôn kém so với bạn bè và bị trêu chọc tại trường.
Năm 13 tuổi, Richard phải chuyển từ trường Scaitcliffe sang trường nội trú Stowe ở Buckinghamshire để việc học dễ dàng hơn. Ở đó, Richard luôn nỗ lực hết mình để tìm hiểu và phát triển tư duy phản biện, thông qua việc quan sát thế giới xung quanh.
Có lần, ông gây ấn tượng với thầy hiệu trưởng khi viết một lá thư chỉ rõ những vấn đề bất cập trong điều hành của nhà trường và đưa ra giải pháp căn bản. Richard không theo đuổi việc học lâu dài khi năm 16 tuổi, ông quyết định bỏ học để bắt đầu khởi nghiệp.
Nhận thấy tầm quan trọng của các việc rủi ro tài chính, Richard tập trung vào tìm hiểu kiến thức về quản trị tài chính doanh nghiệp. Ông phát triển chuỗi cửa hàng bán đĩa Virgin Records để tăng nguồn lợi nhuận. Từ lợi nhuận của Virgin Records, Richard mở rộng đầu tư vào những ngành nghề khác. Năm 1983, ông xây dựng một đế chế khởi nghiệp với khoảng 50 công ty vừa và nhỏ, với mức doanh thu hàng năm đạt 17 triệu USD.
Bất kỳ ai có ý định kinh doanh đều sẽ ấp ủ trong mình viễn cảnh tuyệt vời về một doanh nghiệp mới mà sẽ nghiền nát đối thủ cạnh tranh và có thể khiến họ phát tài. Họ sẽ kiểm tra đi kiểm tra lại các đối thủ cạnh tranh, hỏi ý kiến mọi thành viên trong gia đình và bạn bè, lập ra một bản kế hoạch kinh doanh chi tiết và quy tụ được một đội ngũ xuất sắc. Và, họ tự tin bản thân đã sẵn sàng để thực hiện cú nhảy. Tuy nhiên, theo tỷ phú Richard Branson đó chính là phần khó nhất.
Theo ông, việc gọi vốn đầu tư cho một thương vụ kinh doanh mới là thử thách lớn nhất mà hầu như bất kỳ người khởi nghiệp nào cũng phải đối mặt. Và phần lớn họ đều đối mặt với nó trong sự lo lắng cao độ. Quá trình gọi vốn bao gồm việc truyền đạt ý tưởng, tìm nhà đầu tư tiềm năng và sau đó bảo vệ luận điểm của bạn – thường là trước những người giàu kinh nghiệm trong ngành, hoặc tồi tệ hơn, trước những kẻ ngốc mặc com-lê chẳng hiểu gì về chúng.
Đây là một trong những giai đoạn thách thức nhất đối với bất kỳ doanh nhân nào. Việc trình bày một kế hoạch súc tích, rõ ràng, để nhà đầu tư có thể dễ dàng nắm rõ và truyền đạt lại với người của họ là điều vô cùng quan trọng. Trong cuộc gặp đầu tiên, hãy tránh những bài trình bày dày đặc những con số phức tạp. Hãy cho họ thấy tính khả thi của ý tưởng và bạn có thể đưa ra các chi tiết trong buổi gặp mặt sau.
Hãy nắm rõ thị trường bạn định nhắm tới, đối thủ cạnh tranh của bạn, cũng như cách để tạo dựng dấu ấn trong kế hoạch của bạn và sẵn sàng bảo vệ quan điểm của mình
Nguồn: Tổng hợp