Thực Trạng Chuyển Đổi Số Tại Việt Nam
Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên số, thời đại của công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo. Theo đó làn sóng Chuyển đổi số ở nước ta đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ và đã tạo ra những thay đổi rõ nét. Những thay đổi đó là gì? Mời các bạn cùng tìm hiểu về thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam hiện nay:
Thực Trạng Chuyển Đổi Số Tại Việt Nam
Trong những năm gần đây, tại Việt Nam quá trình Chuyển đổi số (CĐS) đã bắt đầu diễn ra, nhất là trong những ngành như tài chính, giao thông, du lịch, thương mại... Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, và doanh nghiệp sản xuất nói riêng vẫn chưa nhận thức đúng vai trò CĐS trong cuộc CMCN 4.0.
Mới đây, Cisco (một công ty mạng toàn cầu) đã công bố báo cáo "Chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương" , thực hiện trên 1.340 doanh nghiệp tại khu vực nói chung và 50 doanh nghiệp tại Việt Nam nói riêng. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt với những rào cản trong quá trình CĐS như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép CĐS (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa, kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%) ... Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đang bước đầu đầu tư vào công nghệ đám mây (18%), an ninh mạng (12,7%), nâng cấp phần mềm, phần cứng để CĐS (10,7%).
Đánh giá về thực trạng của CĐS không thể không nhắc đến quá trình chuyển đổi số và công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) - là những nền tảng quan trọng của CĐS. Theo báo cáo Thực trạng chuyển đổi kinh doanh số năm 2018 của Tập đoàn IDG (Mỹ), ở Việt Nam hiện có 55% số doanh nghiệp khởi nghiệp đã sử dụng công nghệ số để vận hành doanh nghiệp hiệu quả, trong khi đó tỷ lệ này của doanh nghiệp truyền thống là 38%. Điều này giúp các doanh nghiệp tăng doanh thu đến 34% . Lợi ích nhìn thấy rõ của việc chuyển đổi số là: không cần phải dành ra một khoảng không để lưu trữ hồ sơ, giấy tờ, tài liệu…, tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng; tiết kiệm thời gian in ấn và sắp xếp tài liệu, tìm kiếm cũng đơn giản hơn; việc số hoá dữ liệu kết hợp với những công cụ bảo mật tốt có thể tăng cường sự an toàn khi lưu trữ; dễ kiểm soát, lên kế hoạch…
Lợi ích của việc chuyển đổi số dữ liệu là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam vẫn còn nhiều tổ chức, doanh nghiệp chưa triển khai và hoàn thiện được hoạt động này. Nguyên nhân có thể đến từ chính nội bộ của doanh nghiệp:
- Thứ nhất, việc chuyển đổi số có thể gây ra sự xáo đổi lớn về nhân sự trong đơn vị, đặc biệt là những vị trí lâu năm hoặc chủ chốt.
- Thứ hai, dù khoản đầu tư chuyển đổi số dữ liệu nhiều hay ít phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển, trình độ công nghệ sẵn có cũng như nhu cầu thực tế, nhưng nó vẫn là một gánh nặng, đặc biệt nếu đầu tư ngay một hệ thống đầy đủ và hiện đại có thể khiến chi phí đội lên khá cao.
ICT cũng đã được ứng dụng rộng rãi trong các loại hình doanh nghiệp, giúp tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp của Việt Nam chưa nhận thức đúng vai trò CĐS trong cuộc CMCN 4.0, chưa chủ động tiếp cận công nghệ, hệ thống hạ tầng, không xoay chuyển được mô hình tổ chức kinh doanh đáp ứng với xu thế công nghệ.
Trong phát triển xã hội, ICT đã được ứng dụng khá rộng rãi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm khoảng cách xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục và y tế. Tuy nhiên cũng tồn tại một số bất cập như: bất bình đẳng về cơ hội giáo dục cũng như tiếp cận các dịch vụ sức khỏe vẫn có xu hướng gia tăng; chất lượng dịch vụ chưa đồng đều, đồng bộ; tiếp cận các dịch vụ tài chính của người dân còn khó khăn…
Tóm lại, tại Việt Nam, việc ứng dụng và phát triển CĐS đã được quan tâm và trải đều trên các lĩnh vực cần chuyển đổi. Tuy nhiên, đa phần các ứng dụng và phát triển ở đây chưa thực sự là CĐS, tức là chưa tạo được chuyển đổi đột phá về mô hình, quy trình sản xuất, sản phẩm dựa trên dữ liệu và công nghệ số.
Việc ứng dụng các phần mềm vào quá trình quản lý và vận hành doanh nghiệp đang được xem là giải pháp hoàn hảo giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất tiếp cận chuyển đổi số nhanh nhất và hiệu quả nhất.